Nhận định Từ_Hi_Thái_hậu

Hình chụp Từ Hi Thái hậu. Dòng chữ phía sau là tên hiệu đầy đủ của bà.

Theo khuynh hướng của những người theo chủ nghĩa dân tộc, sử sách thường miêu tả Từ Hi Thái hậu như một bạo chúa và phải chịu trách nhiệm cho sự suy tàn của Trung Hoa cuối thế kỷ XIX.

So với một nhà lãnh đạo cùng thời khác là Thiên Hoàng Minh Trị, Từ Hi Thái hậu ích kỷ hơn do nghĩ đến lợi ích cá nhân nhiều hơn. Bà đã nhiều lần sử dụng quốc khố cho mục đích riêng. Các cung điện, hoa viên, cũng như chi tiêu của bà được đánh giá là quá xa hoa tốn kém trong bối cảnh Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản[47]. Dù nổi tiếng thông minh, nhưng do ít học và thiếu nhiều kiến thức về tình hình quốc tế - tương tự các Hoàng đế nhà Thanh trước đó như Đạo Quang Đế hay Hàm Phong Đế - nên bà có tầm nhìn hạn hẹp và tư duy bảo thủ hơn so với Minh Trị. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng bước ngoặt đáng kể của lịch sử Trung Quốc, đánh dấu sự suy tàn của đế chế Đại Thanh, lại xảy ra khi Từ Hi đã lui về nghỉ ở Di Hòa Viên. Đó là lúc chiến tranh Thanh - Nhật bùng nổ dưới sự chấp chính của Quang Tự. Nhà Thanh sau đó phải bồi thường cho Nhật một khoản tiền khổng lồ, làm khánh kiệt quốc gia. Từ Hi buộc phải quay lại chấp chính để khắc phục những hậu quả do sự cai trị kém cỏi của hoàng đế.

Từ Hi nổi tiếng với những cuộc thanh trừng đối thủ một cách tàn bạo. Một cuộc khảo cổ gần đây hé lộ nguyên nhân cái chết của Quang Tự Đế là do bị đầu độc bằng thạch tín. Ngoài ra, còn nhiều ví dụ khác như việc xử tử Túc Thuận, ép Cung Thân vương Dịch Hân từ chức, hay đơn cử như cái chết mờ ám của Trân phi. Tuy nhiên, ngay cả các bậc quân vương nổi tiếng khác trên thế giới như Nữ vương Elizabeth I, Augustus Caesar cũng có những cuộc thanh trừng đẫm máu như vậy để củng cố quyền thống trị của mình. Thậm chí, so với một lãnh tụ nổi tiếng khác của Trung Quốc là Mao Trạch Đông, người đã tàn sát hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người,[48] thì những đả kích nhắm vào một mình Từ Hi dường như không hợp lý.[49] Những ý kiến gần đây cho rằng các nhận xét tiêu cực về sự cai trị và cuộc sống riêng của Từ Hi đều mang màu sắc của nạn phân biệt nam - nữ, như trong trường hợp các nhà sử học Khổng giáo chỉ trích Võ Tắc Thiên.

Thậm chí khi so với Võ Tắc Thiên, giai đoạn của Từ Hi Thái hậu có phần bất lợi hơn. Võ Tắc Thiên lên ngôi giữa lúc nhà Đường đang thịnh trị, trong nước chính trị trong sạch, bên ngoài mở mang bờ cõi. Thời của Từ Hi Thái hậu, Trung Quốc chứng kiến sự xâm nhập mạnh mẽ của các đế quốc phương Tây. Ngoài ra, những vấn đề nghiêm trọng nhất của xã hội, như nạn thuốc phiện, tham nhũng, quan liêu, cùng với khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc, đều đã diễn ra từ các triều vua trước đó. Khi so với Thiên Hoàng Minh Trị, Từ Hi cai quản một đất nước với lãnh thổ rộng lớn hơn, dân số đông hơn, bộ máy hành chính cồng kềnh hơn, và dĩ nhiên là miếng mồi béo bở hơn cho các cường quốc Âu - Mỹ lao vào xâu xé. Ảnh hưởng của Nho giáo tại Nhật Bản cũng không thâm căn cố đế như ở Trung Quốc, nên các cải cách cũng phần nào dễ dàng hơn.

Do vậy, sự sụp đổ của nhà Thanh nói riêng và chế độ phong kiến nói chung ở Trung Quốc là hệ quả mang tính thời đại, hơn là do ảnh hưởng cá nhân của Từ Hi Thái hậu.

Katherine Karl

Katherine Karl trong thời gian tại Tử Cấm Thành.

Katherine Karl sinh ra ở New Orleans, tác giả của cuốn With the Empress Dowager (Dịch: "Ở bên Hoàng thái hậu") miêu tả cuộc sống của mình khi đến Tử Cấm Thành diện kiến Từ Hi Thái hậu. Bà vốn là một họa sĩ, được triệu đến Tử Cấm Thành do lời mời của Sarah Pike Conger - vợ của Đại sứ Mỹ khi ấy là Edwin H. Conger.

Năm 1903, mùa hè, Katherine đến Tử Cấm Thành. Bà ở cùng với Từ Hi Thái hậu trong 9 tháng để vẽ 4 bức chân dung của Thái hậu, và quyết định đăng ký bức họa để trình diễn trong Buổi triển lãm Louisiana diễn ra năm 1904[50]. Khoảng 2 năm sau đó, Katherine xuất bản cuốn sách có tựa đề "With the Empress Dowager" để miêu tả lại những trải nghiệm của mình[51]. Trong lời đề tựa cho cuốn sách, Katherine viết rằng bà quyết định xuất bản cuốn sách vì: "Sau khi trở về Mỹ, tôi đã nhiều lần đọc được trên báo chí (hay nghe thấy) những lời bịa đặt được gán cho mình dù bản thân tôi chưa bao giờ phát biểu những điều đó"[52].

Trong cuốn sách, Katherine Carl miêu tả Từ Hi Thái hậu như một người sáng suốt, chu đáo và thận trọng. Bà còn có thần thái ung dung thu hút, cùng một cá tính hấp dẫn. Carl nhớ lại, Thái hậu rất yêu thích chó cảnh, hoa cỏ, chèo thuyền, Kinh kịch, cũng như hút thuốc lá phương Tây từ loại tẩu truyền thống của Trung Quốc.

Katherine còn cho biết, Từ Hi Thái hậu là một người thủy chung và có tấm lòng vị tha. Cuốn sách kể trường hợp: "Một nhũ mẫu người Hán đã chăm nom Thái hậu khi bà bị ốm trong suốt 25 năm, thậm chí còn đem sữa của mẹ mình dâng cho Thái hậu uống để lấy lại sức khỏe. Thái hậu chưa bao giờ quên ân đức đó, nên đã giữ người nhũ mẫu này bên mình trong cung điện. Là một người Hán, bà phải chịu tục bó chân hết sức đau đớn và không thể đi lại thoải mái. Thái hậu đã hạ lệnh tháo các lớp bó chân và chăm sóc nhũ mẫu cho đến khi bà có thể đi lại bình thường. Thái hậu còn giúp nuôi dạy con trai của bà từ lúc nhỏ cho tới khi anh ta được xét vào làm việc trong triều đình".

Luke Kwong

Giáo sư Luke Kwong trong bài nghiên cứu về Bách nhật duy tân, đã chỉ ra rằng những cáo buộc nhằm vào Từ Hi Thái hậu, tô vẽ bà như một kẻ độc tài ham mê quyền lực, là không xác đáng.[53] Ông miêu tả Thái hậu là một người luôn lo lắng cho địa vị của mình. Do mặc cảm về xuất thân thấp kém trong hậu cung,[54] bà phải cố gắng chính thống hóa sự cai trị bằng cách xây dựng phe cánh ủng hộ mình trong một thời gian dài.

Kwong cũng lập luận, lần phụ chính lần thứ hai của Từ Hi năm 1898 không hẳn bắt nguồn từ sự khao khát quyền lực, mà đúng hơn là do những kẻ thủ cựu - vốn lo sợ những biến pháp của Quang Tự sẽ làm ảnh hưởng đến lộc vị của mình - đã tìm cách lôi kéo thái hậu quay lại tham chính.[55] Trên thực tế, Quang Tự là một vị vua ngây thơ, nếu không muốn nói là bất tài trong việc điều hành quốc sự. Chính quyết định gây chiến với Nhật Bản của nhà vua đã đẩy vương quốc đến chỗ phá sản. Ngài còn cùng với Khang Hữu Vi lên kế hoạch bao vây Di Hòa Viên và giam lỏng thái hậu. Khang Hữu Vi thậm chí đã muốn ám sát Từ Hi - một kịch bản đã bị chôn giấu trong nhiều thế kỷ cho đến khi được các nhà sử học tìm thấy trong một tàng thư ở Nhật Bản, có thể đã được họ Khang đem tới Tokyo khi trốn chạy sự trừng phạt của Từ Hi.[56]

Trước những thách thức đó, Từ Hi Thái hậu càng bị buộc phải ở vào thế kháng cự, sử dụng bàn tay sắt để bảo vệ Triều đại của bà.

Sterling Seagrave

Nhà sử học Sterling Seagrave phân tích[57] những tình tiết giật gân về cuộc đời của Từ Hi Thái hậu đều do Khang Hữu Vi và đồng đảng của mình thêm thắt và phát tán cho báo chí phương Tây để bôi nhọ bà, dù bản thân họ chưa một lần được gặp thái hậu. Ngoài ra, có nhiều câu chuyện về bà được viết bởi J. O. P. Bland và Edmund Backhouse, những người sống sau Từ Hi tới 30 năm và chưa từng bước chân vào Tử Cấm Thành hay Di Hòa Viên. Những chi tiết thiếu khách quan này sau đó lại được sử dụng trong nhiều tài liệu học thuật trong thế kỷ XX, dẫn đến chân dung của thái hậu trở nên méo mó trong mắt công chúng.

Seagrave miêu tả Từ Hi Thái hậu như một nhà lãnh đạo bị mắc kẹt giữa một bên là tư tưởng bài ngoại vốn xuất hiện từ lâu trong triều đình, với một bên là mong muốn xử lý các vấn đề đương đại của Trung Quốc một cách thực tế và hợp thời hơn. Seagrave kết luận, thái hậu không hề khao khát quyền lực cho riêng mình mà chỉ đơn giản là bằng mọi cách duy trì sự thống trị tối cao của Thanh triều trong hoàn cảnh có quá nhiều sức ép từ bên ngoài.

Lôi Gia Thánh

Dựa trên các nghiên cứu của giáo sư Lôi Gia Thánh (雷家聖)[58], khi cuộc Bách nhật duy tân đang diễn ra, thủ tướng Nhật lúc đó là Itō Hirobumi (伊藤博文; Y Đằng Bác Văn) đã đến Trung Quốc vào ngày 11 tháng 9 năm 1898. Cùng thời gian, nhà truyền giáo người Anh Timothy Richard được Khang Hữu Vi mời tới Bắc Kinh, và Richard đã gợi ý Trung Quốc nên chuyển giao một số quyền lực chính trị cho Itō để cuộc duy tân diễn ra thuận lợi[59].

Ngày 18 tháng 9, Richard thuyết phục Khang Hữu Vi tham gia một liên minh bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Anh với 100 thành viên cao cấp. Gợi ý này không phải đến từ các quốc gia nói trên mà từ chính Timothy Richard (cũng có thể từ Itō Hirobumi) để lừa Trung Quốc từ bỏ quyền tự chủ của mình. Tuy vậy, Khang Hữu Vi vẫn yêu cầu Lương Khải Siêu đem gợi ý này lên vua Quang Tự.[60] Ngày 20 tháng 9, Lương Khải Siêu chính thức gửi tấu chương đến hoàng đế. Trong một bản tấu khác, những người duy tân cũng thể hiện sự ủng hộ đối với việc thành lập liên minh và chuyển các quyền ngoại giao, tài chính, quân sự của bốn nước cho liên minh chung này.[61] Có thể đó chính là lý do khiến Từ Hy Thái Hậu quyết định phế bỏ biến pháp vào ngày 21 tháng 9, chỉ sau 2 ngày trở về từ Di Hoà Viên.

Các nghiên cứu của Lôi Gia Thánh cũng chỉ ra, ngày 13 tháng 10, sau cuộc đảo chính, sứ thần Anh quốc là Sir C. MacDonal đã báo cáo về tình hình ở Trung Quốc đến chính phủ. Ông cho rằng công cuộc duy tân đã bị chính Khang Hữu Vi và nhóm của mình làm phương hại. Nhà ngoại giao Anh Baurne tuyên bố Khang Hữu Vi là một người ảo tưởng và đã bị làm mờ mắt bởi những lời đường mật của Timothy Richard. Ông cho rằng Richard chỉ là một kẻ cơ hội.[62] Chính phủ Anh và Mỹ không hay biết gì về cái gọi là "liên minh" của Richard. Chính phủ Nhật có thể đã biết về kế hoạch này, vì Itō Hirobumi là đồng minh của Richard, nhưng không có bằng chứng nào cho chuyện đó.

Đức Linh công chúa

Chân dung Đức Linh công chúa

Dụ Đức Linh (裕德齡), tên thánh là Elisabeth Antoinette, sinh ở Bắc Kinh vào tháng 6 năm 1885 và mất ở Berkeley, California vào tháng 11 năm 1944, là con gái của Vũ Khang, một quan lại thuộc Chính Bạch Kỳ, và vợ là Louisa Pierson - con của nhà buôn người Mỹ và một người thiếp Trung Quốc.

Năm 1903, sau khi cha của Đức Linh được gọi về Trung Quốc từ Paris, nơi ông đang làm đại sứ, bà cùng mẹ và em gái được Từ Hi thái hậu triệu vào cung làm nữ quan. Nhiệm vụ của họ là hầu cận bên thái hậu, cùng với phiên dịch và tiếp đón các vị khách nước ngoài. Đức Linh đã hầu hạ trong cung từ tháng 3 năm 1903 cho tới tháng 10 năm 1905. Năm 1907, bà kết hôn với một người Mỹ tên Thaddeus Cohu White.

Sau khi Từ Hi qua đời năm 1908, Đức Linh tuyên bố bà hết sức tức giận khi thấy hình ảnh của Từ Hi Thái hậu bị xuyên tạc qua sách vở và báo chí. Vì vậy, bà quyết định viết một cuốn sách nhan đề "Two years in the Forbidden City" ("Hai năm trong Tử Cấm Thành"), kể về quá trình hầu hạ "Lão Phật Gia". Cuốn sách xuất bản năm 1911, ngay trước khi Nhà Thanh sụp đổ, và bán rất chạy. Trong cuốn sách, Từ Hi Thái hậu không phải là một kẻ suy đồi, tàn bạo như mô tả của báo chí hay hồi ký của những người nước ngoài từng sống tại Bắc Kinh, mà chỉ đơn giản là một bà lão thích chơi với những vật dụng đẹp đẽ. Thái hậu cũng có nhiều nỗi luyến tiếc trong lòng về cách bà đối phó với những thách thức trong thời gian nắm quyền.

Từ Hi Thái hậu sủng ái Đức Linh đến độ cho phép bà cài chiếc nút chỉ dành riêng cho công chúa lên mũ của mình. Nhiều năm sau, khi tìm một từ tiếng Anh để miêu tả vị trí của mình trong cung điện, Đức Linh đã quyết định dùng chữ "Princess" (công chúa). Danh hiệu này không chỉ khiến bà trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc mà còn nâng tầm quan trọng cho bà khi đi diễn thuyết trước công chúng Hoa Kỳ về cuộc sống trong cung với Từ Hi. Đức Linh sau đó hoàn thành một cuốn tiểu sử về Từ Hi mang tên "Old Buddha" ("Lão Phật").

Đức Linh còn tiếp tục viết 7 cuốn sách khác về quãng thời gian ngắn ngủi mà bà được ở ngay trung tâm của đế chế Đại Thanh đang trên đà sụp đổ. Việc viết cũng như quảng bá cho các cuốn sách khiến Đức Linh bất hòa với chính gia đình mình. Điều này khiến giới học giả khó khăn trong việc đánh giá tính khách quan trong các tác phẩm của bà. Nhưng sự thật thì Đức Linh vẫn là người phụ nữ đầu tiên được tiếp xúc với Từ Hi khi còn sống và viết về thái hậu như những điều mắt thấy tai nghe. Dù còn thiếu một số dữ kiện và đối chứng, nhưng các tác phẩm của Đức Linh phần nào hé lộ nhiều khía cạnh khác trong cuộc đời của Từ Hi thái hậu.

Cùng với cuốn tiểu sử "Dragon Lady: The Life and Legend of the Last Empress of China" của Sterling Seagrave, những cuốn hồi ký của Đức Linh đã được phục hồi trong một nỗ lực nhằm đánh giá lại Từ Hi thái hậu. Tháng 1 năm 2008, nhà xuất bản Đại học Hồng Kông đã phát hành cuốn tiểu sử đầu tiên về Đức Linh mang tên "Imperial Masquerade: The Legend of Princess Der Ling".[63]

Các nguồn khác

Jung Chang, phản bác những quan niệm cũ cho rằng Từ Hi Thái hậu là một kẻ độc tài

Trong cuốn hồi ký của mình khi đang làm phái viên của Anh ở Bắc Kinh, Ernest Satow miêu tả Từ Hi Thái hậu thường xuất hiện trong các nghi lễ long trọng. Một cuốn tiểu sử nổi tiếng nhưng cũng gây nhiều tranh cãi của J. O. P. BlandEdmund Backhouse mang tên China Under the Empress Dowager (Dịch là: "Trung Hoa dưới sự cai trị của Thái hậu") có cái nhìn khá tiêu cực về bà. Edmund Backhouse bị phát hiện đã giả mạo nhiều nguồn tư liệu khi viết sách, và không chỉ bóp méo Từ Hi Thái hậu, Edmund Backhouse còn khoác lác về quan hệ tình ái của mình với nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Paul Verlaine, Oscar Wilde, thậm chí cả một Công chúa của đế quốc Ottoman, v.v... Chính cuốn sách này đã hình thành các quan điểm tiêu cực đối với Từ Hi Thái hậu ở phương Tây[64].

Năm 2013, học giả Jung Chang phát hành một cuốn tiểu sử khác nhằm mục đích hiệu đính lại những sai lầm lịch sử trong tác phẩm của Bland và Backhouse. Jung Chang đánh giá Từ Hi Thái hậu là nhà lãnh đạo có năng lực nhất mà triều đại nhà Thanh có ở thời điểm đó.

Không thể phủ nhận Từ Hi Thái hậu là một chính trị gia lão luyện. Tuy nhiên vào thời của bà, chính trị đã không chỉ đơn thuần là đấu đá trong hoàng thất hay thao túng triều đình nữa. Chính trị Trung Quốc cuối thế kỷ XIX là một tập hợp của những mâu thuẫn xã hội, xung đột trong tư tưởng, sự thay đổi trong phương thức sản xuất, cùng với vô vàn sức ép từ phương Tây. Từ Hi Thái hậu nói riêng và triều đình phong kiến Mãn Thanh nói chung - vốn là thai nghén của hàng ngàn năm quân chủ chuyên chế, vốn luôn tự coi mình là "thiên triều" ở trung tâm của thế giới - đã không thích ứng được với những biến động to lớn đó.

Là người đại diện cao nhất của chế độ, Từ Hi Thái hậu đã quyết liệt bảo vệ những giá trị căn bản của nó như quyền lực trung ương, lộc vị của giới quý tộc, phương thức sản xuất cũ, hệ thống quan lại, truyền thống Nho giáo v.v... Cách thức cai trị của bà có thể coi là bảo thủ, cố chấp, nhưng cũng có thể là quyết đoán, tận tâm, tùy theo những góc nhìn khác nhau. Sau khi bà qua đời, Thanh triều không còn một lãnh tụ nào đủ sức gánh vác một hình thái nhà nước đã lỗi thời như vậy nữa, tất yếu dẫn đến diệt vong.

Một nhận định cho rằng: "Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về di sản của Từ Hi Thái hậu, từ những tin đồn rằng bà là một hôn quân dâm dật cho tới nghiên cứu gần đây của Jung Chang tuyên bố "Từ Hi đã phải chịu nhiều bất công suốt hàng trăm năm qua" và "các lực lượng chính trị thống trị Trung Quốc từ sau khi Nhà Thanh sụp đổ cho tới nay đã cố tình bôi đen hình ảnh cũng như những thành tựu của bà". (Tuy vậy) nếu xét riêng về thành tựu, kể cả trên vũ đài chính trị cũng như cuộc sống cá nhân, Từ Hi đã đạt được nhiều điều mà hiếm phụ nữ nào sánh nổi."[56]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Từ_Hi_Thái_hậu http://www.historychannel.com.au/classroom/day-in-... http://db.cssn.cn/sjxz/xsjdk/zgjd/sb/jsbml/qsltzcs... http://db.cssn.cn/sjxz/xsjdk/zgjd/sb/jsbml/qslxfcs... http://www.56.com/u11/v_MjYwNjk3NjI.html http://www.aisixiang.com/data/61667.html http://zhidao.baidu.com/question/6163075.html http://www.britannica.com/biography/Cixi http://www.economist.com/node/21531524 http://www.scaruffi.com/politics/dictat.html http://www.thedailybeast.com/witw/articles/2013/10...